vendredi 12 octobre 2012

anistêmi (sống lại, đứng dậy) trong Tin Mừng Gio-an



Động từ Hy Lạp “anistêmi” xuất hiện 8 lần trong Tin Mừng Gio-an: 6,39.40.44.54; 11,23.24.31; 20,9 và có 3 nghĩa: (1) “Đứng dậy” (tiếng Anh: raise up; Pháp: se lever) xuất hiện 1 lần: 11,31; (2) “Sống lại” (tiếng Anh: bring to life, raise up; Pháp: ressusciter) xuất hiện 6 lần: 6,39.40.44.54; 11,23.24; (3) “Trỗi dậy” (tiếng Anh: raise up; Pháp: se relever) xuất hiện 1 lần: 20,9. Trong 8 lần động từ anistêmi, có 4 lần trong ch. 6, nói đến việc “sống lại” của những người tin vào Đức Giê-su trong ngày sau hết; 3 lần trong ch. 11, trong đó 2 lần nói đến việc “sống lại” của La-da-rô và 1 lần nói đến việc “đứng dậy” của Ma-ri-a; 1 lần trong ch. 20 nói lên việc “trỗi dậy” của Đức Giê-su từ những kẻ chết. Như vậy, Tin mừng Gio-an dường như muốn chứng minh việc sống lại một cách tiệm tiến: Từ việc sống lại vào này sau hết đến việc sống lại ngay bây giờ và sự sống lại của Đức Giê-su. Đó là lời bảo đảm có sự sống đời đời ngay bây giờ cho những ai tin vào Đức Giê-su.

1. “Đứng dậy”

Ở ch. 11, trong cuộc trò chuyện giữa Đức Giê-su và Ma-ri-a (11,28-33), khi nghe Mác-ta nói nhỏ: “28Thầy đến rồi và Thầy gọi em” (11,28), cô Ma-ri-a liền “đứng dậy” để tiếp đón Người. Người thuật chuyện kể: “31Những người Do Thái đang ở với Ma-ri-a trong nhà và chia buồn với cô ấy, thấy Ma-ri-a vội vã đứng dậy (anestê) ra đi, họ đi theo cô ấy, vì tưởng cô ấy đi ra mộ để khóc ở đó” (11,31). Trong câu này, tác giả sử dụng động từ “anestê” (gốc động từ “anistêmi”) để diễn tả hành động đứng dậy của cô Ma-ri-a. Như vậy, động từ “anistêmi” có nghĩa “đứng dậy”, thoát khỏi một vị trí nào đó.

2. “Sống lại”

   a) “Sống lại ngày sau hết”
Trong ch. 6, động từ sống lại xuất 4 lần với kiểu nói: “sống lại trong ngày sau hết” (6,39.40.44.54). Trong diễn từ “bánh hằng sống” (6,34-40) tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su tự khẳng định Người chính là “bánh đem lại sự sống” (6,35). Nhưng sự sống ấy chỉ dành cho những ai tin vào Người Con, và họ sẽ được sống lại (anastêsô) trong ngày sau hết (6,39-40). Trong cc.39-40, Chính Đức Giê-su là chủ từ của động từ “anastêsô”. Người nói: “39Đây là ý muốn của Đấng đã sai Tôi: Tất cả những ai Người đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để hư mất một ai, nhưng Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại (anastêsô) [trong] ngày sau hết. 40Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và chính Tôi sẽ cho người ấy sống lại (anastêsô) [trong] ngày sau hết” (6,39-40). Như thế, chính Đức Giê-su có quyền năng làm cho họ “sống lại” từ sự chết trong ngày cánh chung. Khi nghe Đức Giê-su nói: “Chính tôi là bánh xuống từ trời” (6,41), đám đông bắt đầu bàn tán về nguồn gốc của Đức Giê-su. Trước vấn đề đó, Đức Giê-su đã trả lời cho họ: “44Không ai có thể đến với Tôi, nếu Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy, và Tôi, Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại (anastêsô) trong ngày sau hết” (6,44). Và với nguồn gốc này, Đức Giê-su đã làm cho những người tin vào Người sống lại. Cũng vậy, khi ban chính thân mình làm của ăn (6,52-59), Đức Giê-su khẳng định: “54Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại (anastêsô) vào ngày sau hết” (6,54). Cả hai trường hợp này, Đức Giê-su là chủ thể làm cho người bước theo mình được sống lại từ sự chết trong ngày cánh chung.

   b) Sống lại ngay bây giờ
Ở ch. 11, trong cuộc trò chuyện giữa Đức Giê-su và Mác-ta về cái chết của La-da-rô (11,17-27), Đức Giê-su đã khẳng định: “23Em chị [La-da-rô] sẽ sống lại (anastêsetai)” (11,23). Dù Mác-ta tin vào Đức Giê-su, nhưng niềm tin của cô vẫn còn ở cấp độ niềm tin truyền thống: tin vào sự sống lại của em mình xảy ra vào ngày sau hết: “24Mác-ta nói với Người: Con biết rằng em con sẽ sống lại (anastêsetai), trong sự sống lại vào ngày sau hết” (11,24). Mác-ta đã không hiểu rằng chính Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống (x. 11,25), nên có thể làm cho em cô sống lại từ sự chết ngay bây giờ. Ở đây, tác giả sử dụng động từ “anastêsetai” (gốc động từ “anistêmi”) trong cả hai câu (cc. 23-24) để diễn tả sự sống lại của La-da-rô, sống lại về phần thể xác ngay tại đời này. Thế nhưng, sự sống lại của La-da-rô không vĩnh cửu vì sau đó ông lại bị các thượng tế quyết định giết (x. 12,10). Thực ra, sự sống lại của La-da-rô vừa là dấu chỉ về sự sống lại của Đức Giê-su, vừa mình chứng cho sự sống đời đời dành cho người tin được ban ngay ở đời này, như Đức Giê-su đã khẳng định với Mác-ta ở 11,25-26: “25 Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, 26và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.”

3. “Trỗi dậy”

Ở ch. 20, trong phần nói về ngôi mộ trống (20,1-10), khi chạy ra tới mộ, Phê-rô và người môn đệ kia chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ giữa những kẻ chết. Người thuật chuyện kể: “9Thật ra, các ông chưa hiểu theo Kinh Thánh là Người phải trỗi dậy (anastênai) từ giữa những kẻ chết” (20,9). Ở đây, tác giả sử dụng động từ “anastênai” để nhấn mạnh việc “trỗi dậy”, tức là việc “sống lại” của Đức Giê-su. Như vậy, ngay lúc đó Đức Giê-su đã sống lại từ kẻ chết. Sự sống lại của Đức Giêsu hoàn toàn khác với sự sống lại của La-da-rô về thể lý. Đối với Đức Giêsu, sau khi sống lại, Người vẫn là Đức Giêsu chịu đóng đinh (20,21.27), nhưng Người đã được biến đổi vì không còn bị giới hạn của những điều kiện vật chất (x. 20,19). Sự trỗi dậy của Đức Giê-su thực hiện điều người đã nói ở 11,25: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” và những ai tin vào Người thì không bao giờ chết nữa (x. 11,26).

Kết luận.
Theo những gì phân tích ở trên, chúng ta thấy động từ Hy Lạp “anistêmi” trong Tin mừng Gio-an có ba nghĩa: (1) “đứng dậy” từ một vị trí cố định (11,31). (2) “sống lại” trong ngày sau hết (6,39-40.44.54) hay sống lại ngay đời này qua dấu chỉ La-da-rô sống lại (11,23-24). Sự sống lại này là dấu chỉ sự sống đời đời ngay trong hiện tại dành cho những ai tin vào Đức Giê-su. (3) “Trỗi dậy” từ những kẻ chết, để nói về sự sống lại của Đức Giê-su (20,9). Qua việc Đức Giê-su là chủ thể làm cho kẻ chết sống lại, chúng ta biết được căn tính của Đức Giê-su, là Con Thiên Chúa, quyền phép ngang hàng với Chúa Cha, vì chỉ có Thiên Chúa mới ban sự sống được (x. St 2,7). Đức Giê-su sẽ làm cho những ai tin vào Người không chỉ sống lại trong ngày sau hết mà còn có sự sống đời đời ngay bây giờ./.


Ngày 11 tháng 10 năm 2012
Vinh sơn Ngô Đức Duy O.P.
Email: vinhsonduyop@gmail.com
Nguồn: http://tungubontinmung.blogspot.com/2012/10/song-lai-t-anistemi-trong-tin-mung-gio.html



Tài liệu tham khảo
BEASLEY-MURRAY, G. R., John, (World Biblical Commentary, vol. 36), Dallas (TX), Word Books Publishers, 1987, (Second edition, Nashville, Thomas Nelson Publishers, 1999).
GINGRICH, “anistêmi,” Greek Lexicon, (Bible Works 8).
LÊ MINH THÔNG, Giu-se, (dịch giả), Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt, Nxb. Tôn Giáo, 2011.
MOLONEY, F. J., The Gospel of John, (SPS 4), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1998.
THAYER, “anistêmi,” Greek Lexicon, (Bible Works 8).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire